Công việc kê khai thuế GTGT cho Công ty là công việc thường niên hàng quý của các bạn kế toán viên. Vậy điều kiện khấu trừ thuế GTGT cho doanh nghiệp và chứng từ thanh toán qua ngân hàng được quy định như thế nào. Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau của Vinatax nhé.
I. Quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào chứng từ thanh toán qua ngân hàng
Căn cứ Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội
Căn cứ khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng (đã được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:
…
10. Sửa đổi, bổ sungĐiều 15 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 119/2014/TT-BTCngày 25/8/2014 và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính) như sau:
“Điều 15. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
- 1. Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
- 2. Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới hai mươi triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt gồm chứng từ thanh toán qua ngân hàng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khác hướng dẫn tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.”
Căn cứ Điều 1 Thông tư số 173/2016/TT-BTC ngày 28/10/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khổ thứ nhất Khoản 3, Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính
“3. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản cả bên bán mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo các hình thức thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành như séc, ủy nhiệm chi, lệnh chi, ủy nhiệm thu, nhờ thu, thẻ ngân hàng, thẻ tín dụng, sim điện thoại (ví điện tử) và các hình thức thanh toán khác theo quy định (bao gồm cả trường hợp bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân hoạc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ doanh nghiệp tư nhân sang tài khoản bên bán).”
Căn cứ Công văn số 5906/TCT-KK ngày 24/12/2014 của Tổng Cục thuế về việc chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán qua ngân hàng)
“c) Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được xét khấu trừ, hoàn thuế GTGT là chứng từ thực hiện đúng quy định tại Điều 5 chế độ chứng từ kế toán ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1789/2005/QĐ-NHNN ngày 12/12/2005 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cụ thể bao gồm các thông tin:
- Tên và số hiệu của chứng từ
- Ngày, tháng, năm lập chứng từ
- Tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân/ Hộ chiếu, số hiệu tài khoản của người trả (hoặc chuyển) tiền; Tên, địa chỉ của ngân hàng phục vụ người trả (hoặc người chuyển) tiền.
- Tên, địa chỉ, số Chứng minh nhân dân/ Hộ chiếu, số hiệu tài khoản của người thụ hưởng số tiền trên chứng từ; Tên, địa chỉ của ngân hàng phục vụ người thụ hưởng.
- Số lượng, đơn giá và số tiền của nghiệp vụ kinh tế, tài chính ghi bằng số; tổng số tiền của chứng từ kế toán dùng để thu, chi tiền phải ghi bằng số và bằng chữ.
- Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh (tổ chức tín dụng phải ghi rõ thông tin do bên trả tiền cung cấp).
Trường hợp thông tin về “số lượng, đơn giá” của nghiệp vụ kinh tế phát sinh đã được thể hiện rõ tại hóa đơn bán hàng (hoặc hợp đồng mua bán, hoặc tờ khai hàng hóa xuất khẩu) có liên quan thì người trả (hoặc người chuyển) tiền phải ghi rõ “Thanh toán cho hóa đơn mua hàng (hoặc hợp đồng mua bán, hoặc tờ khai hàng hóa xuất khẩu) số … ngày …” có liên quan tại phần thông tin “Nội dung nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh” để thay thế cho thông tin “số lượng, đơn giá” của nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
- Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người liên quan đến chứng từ kế toán. Đối với chứng từ có liên quan đến xuất, nhập kho quỹ, thanh toán chuyển khoản giữa các ngân hàng phải có chữ ký người kiểm soát (Kế toán trưởng, phụ trách kế toán) và người phê duyệt (Thủ trưởng đơn vị) hoặc người được ủy quyền. Chứng từ thanh toán qua tổ chức cung ứng ví điện tử phải có xác nhận của tổ chức cung ứng ví điện tử và tổ chức tín dụng có liên quan. Chứng từ thanh toán điện tử thực hiện theo quy định về giao dịch điện tử.”
II. Hướng dẫn nguyên tắc kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào và chứng từ thanh toán qua ngân hàng
- Căn cứ các quy định nêu trên, về nguyên tắc điều kiện để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào được thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC, Điều 1 Thông tư số 173/2016/TT-BTC nêu trên
- Trường hợp Công ty thực hiện giao dịch điện tử khi thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng thì các dữ liệu thông tin điện tử này phải đảm bảo chính xác, đủ tin cậy về tính trọn vẹn của thông tin. Các thông tin, dữ liệu điện tử được lưu trữ có thể truy cập, sử dụng dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết theo quy định của Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005.
Trên đây là chia sẻ của Vinatax về điều kiện khấu trừ thuế GTGT cho doanh nghiệp và chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Bạn đọc theo dõi để thực hiện đúng quy định nhé.