Hiện nay, rất nhiều đơn vị sử dụng website như một kênh marketing để truyền thông và bán hàng. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng biết cách vận hành 1 website để mang lại hiệu quả. Giải pháp thường là sử dụng dịch vụ quản lý website từ Công ty dịch vụ. Trong đó có đối tượng là nhà thầu nước ngoài. Vậy cách xử lý chi phí dịch vụ quản lý website như thế nào? Làm sao để được trừ chi phí này khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định? Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây của Vinatax nhé.
I. Quy định về đối tượng áp dụng thuế nhà thầu

“Điều 1. Đối tượng áp dụng
Hướng dẫn tại Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau (trừ trường hợp nêu tại Điều 2 Chương I):
Tổ chức nước ngoài kinh doanh có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; cá nhân nước ngoài kinh doanh là đối tượng cư trú tại Việt Nam hoặc không là đối tượng cư trú tại Việt Nam (sau đây gọi chung là Nhà thầu nước ngoài, Nhà thầu phụ nước ngoài) kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng, thỏa thuận, hoặc cam kết giữa Nhà thầu nước ngoài với tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc giữa Nhà thầu nước ngoài với Nhà thầu phụ nước ngoài để thực hiện một phần công việc của Hợp đồng nhà thầu.”
II. Quy định về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Các chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế như sau:
“Điều 4. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC) như sau:
“Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật về thuế giá trị gia tăng.
Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh khoản chi phí này).
Đối với các hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ đã thanh toán bằng tiền mặt phát sinh trước thời điểm Thông tư số 78/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành thì không phải điều chỉnh lại theo quy định tại Điểm này.
…”
III. Cách xử lý chi phí dịch vụ quản lý website khi thuê nhà thầu nước ngoài

- Trường hợp doanh nghiệp ký Hợp đồng với tổ chức nước ngoài để thực hiện dịch vụ quản lý website. Mà tổ chức đó không có cơ sở thường trú tại Việt Nam. Thì thu nhập mà tổ chức nước ngoài nhận được thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu. Công ty có trách nhiệm kê khai, khấu trừ và nộp thay cho tổ chức nước ngoài. Việc thực hiện tuân theo quy định tại thông tư 103/2014/TT-BTC nêu trên.
- Khoản chi phí quản lý website của Công ty nếu đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC. Thì được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo quy định.
Trên đây là hướng dẫn xử lý chi phí dịch vụ quản lý website khi thuê nhà thầu nước ngoài. Bạn đọc lưu ý để thực hiện đúng quy định nhé.