Từ ngày 01/11/2020, bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử. Điều đó tạo thuận lợi trong việc bảo quản và lưu trữ so với hóa đơn giấy. Hóa đơn là một trong những chứng từ quan trọng, vì vậy, doanh nghiệp phải thực hiện chặt chẽ công tác bảo quản và lưu trữ hóa đơn. Bài viết này, Vinatax chia sẻ đến bạn đọc cách thức thực hiện nhé.
Bảo quản và lưu trữ hóa đơn
- Hóa đơn tự in chưa lập phải được lưu trữ trong hệ thống máy tính theo chế độ bảo mật thông tin.
Theo đó, phần mềm ứng dụng để in hóa đơn phải đảm bảo yêu cầu về bảo mật bằng việc phân quyền cho người sử dụng, người không được phân quyền sử dụng không được can thiệp làm thay đổi dữ liệu trên ứng dụng.
- Hóa đơn đặt in chưa lập phải được lưu trữ, bảo quản trong kho theo chế độ lưu trữ bảo quản chứng từ có giá.
Nếu doanh nghiệp có đơn vị kế toán thì hóa đơn được lưu trữ theo quy định lưu trữ, bảo quản chứng từ kế toán. Cụ thể:
- Phải được bảo quản đầy đủ, an toàn trong quá trình sử dụng và lưu trữ.
- Trường hợp hóa đơn bị tạm giữ, bị tịch thu thì phải có biên bản kèm theo bản sao chụp hóa đơn đó, nếu hóa đơn bị mất, cháy, hỏng thì thực hiện xử lý hóa đơn theo các trường hợp đó.
- Hóa đơn phải đưa vào lưu trữ trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm hoặc kết thúc công việc kế toán.
- Người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán chịu trách nhiệm tổ chức bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán.
- Thời hạn lưu trữ các hóa đơn ít nhất là 10 năm. Trường hợp hóa đơn có tính sử liệu, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng thì phải được lưu trữ vĩnh viễn.
Trường hợp doanh nghiệp không phải là đơn vị kế toán thì hóa đơn được lưu trữ và bảo quản như tài sản riêng của doanh nghiệp.
Xử lý trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn
Doanh nghiệp tự phát hiện việc mất, cháy, hỏng hóa đơn (đã lập hoặc chưa lập)
- Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải lập Báo cáo về việc mất, cháy, hỏng hóa đơn (theo mẫu số 3.8 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC) và thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp về vấn đề này.
- Thời gian thực hiện: chậm nhất không quá năm (05) ngày kể từ ngày xảy ra sự việc. Trường hợp ngày cuối cùng (ngày thứ 05) trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật, thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó.
Doanh nghiệp bán hàng hoặc người mua làm mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn bản gốc đã lập
- Doanh nghiệp bán hàng và người mua lập Biên bản ghi nhận sự việc. Theo đó:
+ Trong biên bản phải ghi rõ liên 1 của hóa đơn doanh nghiệp bán hàng khai, nộp thuế trong tháng nào;
+ Ký và ghi rõ họ tên của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán hàng (hoặc người được ủy quyền), đóng dấu (nếu có) trên biên bản;
- Doanh nghiệp bán hàng sao chụp liên 1 của hóa đơn, ký xác nhận của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu trên bản sao hóa đơn để giao cho người mua.
- Người mua được sử dụng hóa đơn bản sao có ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) của doanh nghiệp bán hàng kèm theo Biên bản về việc mất, cháy, hỏng liên 2 hóa đơn để làm chứng từ kế toán và kê khai thuế. Doanh nghiệp bán hàng và người mua phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc mất, cháy, hỏng hóa đơn.
Mất, cháy, hỏng hóa đơn liên 2 đã sử dụng có liên quan đến bên thứ ba
- Bên thứ ba trong trường hợp này có thể là bên vận chuyển hàng hoặc bên chuyển hóa đơn.
- Trong trường hợp này phải căn cứ vào việc bên thứ ba do người bán hoặc người mua thuê để xác định trách nhiệm xử lý hóa đơn (theo 01 trong 02 phương thức trên) và xử phạt người bán hoặc người mua theo quy định
Trên đây là chia sẻ của Vinatax về hướng dẫn bảo quản và lưu trữ hóa đơn.