Giờ làm việc bình thường là 8 giờ/ ngày và 48 giờ/ tuần. Tuy nhiên, do tiến độ Kh yêu cầu, nên trong một số trường hợp Doanh nghiệp cần tổ chức cho nhân viên làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ đơn hàng hay dịch vụ. Để biết được quy định về làm thêm giờ, cũng như chế độ bảo hiểm và chính sách thuế như TNCN, TNDN ra sao. Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau của Vinatax nhé.
I. Căn cứ pháp lý
-
Bộ Luật Lao động ngày 18/06/2012
-
Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân
- Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/05/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp
-
Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động.
-
Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014, Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/08/2014, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính
II. Quy định về làm thêm giờ
Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x Số giờ làm thêm
Trong đó:
- Mức ít nhất bằng 150% so với tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày thường;
- Mức ít nhất bằng 200% so với tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ hằng tuần;
- Mức ít nhất bằng 300% so với tiền lương giờ thực trả của ngày làm việc bình thường, áp dụng đối với giờ làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, chưa kể tiền lương của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương theo quy định, đối với người lao động hưởng lương theo ngày.
III. Mức thu nhập từ làm thêm giờ có tính đóng BHXH, thuế TNCN và khấu trừ thuế TNDN?
» Đối với tiền làm thêm giờ, tiền tăng ca không được xác định được mức tiền cụ thể vì trên thực tế người lao động làm nhiều thì được hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không phải khoản trả thường xuyên nên sẽ thuộc Điểm b Khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.
» Như vậy, tiền làm thêm giờ, tăng ca là các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động, cho nên sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Các khoản thu nhập được miễn thuế TNCN trong đó có thu nhập từ tiền lương làm thêm giờ, cụ thể theo Điểm i Khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì:
» Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
» Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế
» Tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;
- b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
- c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
» Theo quy định tại Điều 4, Thông tư 96/2015/TT-BTC thì để khoản chi tiền lương, thưởng cho người lao động được đưa vào chi phí được trừ cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Thực tế chi trả hoăc có chứng từ thanh toán theo quy định
– Quy định rõ điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại 1 trong các hồ sơ:
- Hợp đồng lao động
- Thỏa ước lao động tập thể
- Quy chế tài chính
- Quy chế thưởng
Như vậy, trường hợp vì các lý do chính đáng doanh nghiệp phải tăng thời gian làm thêm giờ thì khoản chi phí làm thêm giờ doanh nghiệp thực chi trả cho người lao động và có đủ chứng từ theo quy định được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Lưu ý: Phần tiền lương làm thêm giờ quá 200 giờ/năm không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN.
Trên đây là chia sẻ của Vinatax quy định về làm thêm giờ về mức bảo hiểm chi trả từ khoản thu này cũng như là mức thuế TNCN phải đóng, thuế TNDN được khấu trừ.